Ngoài ra, lượng xe cộ lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm, các khí độc lơ lửng trong không khí bao gồm cả bụi bẩn độc hại, bụi mịn... xâm nhập vào hệ hô hấp của chúng ta hàng ngày, gây nhiều các bệnh nguy hiểm như phổi, tim mạch, thị giác, dị ứng da.... để lại nhiều hệ lụy cho xã hội và gia đình. Có rất nhiều phương tiện đang được tham gia lưu thông trên đường đã quá hạn sử dụng. Các loại xe này tiêu thụ lượng nhiên liệu cao hơn và thải ra nhiều khí độc hại hơn. Nhưng vẫn chưa có nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Ngay cả những chiếc xe công cộng như xe buýt đã quá cũ và luôn tạo ra một làn khói phía sau khi di chuyển.
Số người ngày càng lớn, mật độ xe càng tăng nhanh qua năm tháng nhưng tỷ lệ đường được đầu tư không theo kịp. Tình trạng kẹt xe xảy ra hằng ngày chính là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp.
Ô nhiễm bụi và khí độc thải ra từ các khu công nghiệp, nhà máy và cơ sở sản xuất.
- Nhà máy xi măng;
- Nhà máy điện chạy bằng than;
- Các khu chế suất;
- Các xưởng sản xuất gốm, xứ;
- Các công trường xây dựng;
- Khu khai thác than, khoáng sản...
Tất cả những lĩnh vực trên hàng ngày góp phần vào việc gia tăng ô nhiễm môi trường của chúng ta. Làm cho môi trường bên ngoài và bên trong phòng làm việc, nhà ở... đều bị ô nhiễm bụi, mùi đặc biệt là bụi mịn với kích thước siêu nhỏ, mặt thường không nhìn thấy được, cùng những vi khuẩn, virus sẽ bay tự do và vào cơ thể chúng ta. Đương nhiên khi môi trường bị ô nhiễm thì lượng Oxy (khí tươi) sạch sẽ bị giảm đi và lượng khí thái CO2 các khí độc sẽ gia tăng và cũng sẽ gây ô nhiễm cả nguồn nước.
Những hạn chế, bất cập
Theo thống kê của Bộ Tư Pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất,... Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.
Một bức ảnh mô phỏng tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Photo by Internet.
Quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường về các loại tội phạm còn hạn chế chưa đủ mạnh. Cụ thể, có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự, còn các biện pháp xử lý khác như: buộc phải di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết nên doanh nghiệp "lỳ đòn" cũng không có hiệu quả.
Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế.
Thật vậy, người lớn không làm gương để giáo dục trẻ em, mà minh chứng cụ thể đầu tiên là hành động vứt rác bừa bãi ra môi trường thay vì vứt đúng nơi quy định. Theo quan sát, tại các trường học, chúng tôi nhiều lần chứng kiến phụ huynh đưa con đi học đến cổng trường dừng lại ăn sáng và sau khi ăn xong, thay vì bỏ hộp xôi, hộp bánh vào thùng rác thì họ lại vứt ngay tại chỗ. Mặc dù, các trường học có treo rất nhiều tấm biến, khẩu hiệu cấm xả rác bừa bãi nhưng phụ huynh vẫn thản nhiên xả rác nơi công cộng thì rất khó hình thành ý thức tốt cho thế hệ trẻ.
Nói cách khác, thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam có sự đóng góp rất lớn từ chính ý thức kém của một bộ phận người dân. Tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn ở các bãi biển tự nhiên. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Bạn có biết rằng Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về lượng chất thải nhựa xả ra đại dương hàng năm lên đến 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Việc phá hoại môi trường của một người chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng nếu gọp nhiều người lại thì rất lớn. Một tờ giấy, vỏ hộp sữa, túi ni-lông,... tuy nhỏ nhưng tích tụ lại lâu ngày sẽ gây ô nhiễm, mất mỹ quan, rác thải đọng lại trong các lô-cốt gây ra tình trạng cống thoát nước bị nghẹt mỗi khi mưa lớn hay thủy triều lên, hay cũng từ đây rác đã góp phần phân hủy các chất độc thải ra không khí môi trường sống.
Đó là chưa kể đến tình trạng phóng uế bừa bãi tại các công viên công cộng vẫn đang tiếp diễn hàng ngày. Trong khi, đây là những địa điểm được trồng nhiều cây xanh để người dân lui tới tập thể dục, hít thở không khí trong lành,... thì một bộ phận người dân lại thường xuyên phóng uế vô ý thức. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh, gây mùi hôi thối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh hô hấp,... mà hơn thế nữa là góp phần gây ô nhiễm không khí tại nơi mà lẽ ra đó là "lá phổi" của khu vực sống.
Các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, quan liêu, thiếu chặt chẽ
Nguyên nhân tiếp theo gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần gây ô nhiễm môi trường đáng kể.
Mặt khác, hệ thống xử lý không khí, môi trường tại một số khu công nghiệp chưa hoạt động hiệu quả, chất xả thải ô nhiễm được thải liên tục ra không khí, ra sông, hồ gây nhiễm độc bụi, khí, nước tự nhiên. Bên cạnh đó, chính sự quan liêu, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của một số cán bộ nhà nước cũng đang tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường.
Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam
Trước tình trạng đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với Bộ Tài nguyên môi trường ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường khá đa dạng, mà chủ yếu là các nguồn gây ô nhiễm như đã nói kể trên.
Cách khắc phục ô nhiễm môi trường có thể làm được ở từng cá nhân cho đến các cơ quan, bộ ngành... Cần phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần là có sự chung tay của cả động đồng. Trong đó:
a) Nâng cao ý thức của người dânTrước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm môi trường, bao gồm môi trường không khí và nước, cũng như sức khỏe của mỗi người. Người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, áp dụng những giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đơn giản nhất là từ cử chỉ sinh hoạt, vứt rác, xây dựng, sản xuất... đúng quy định, giáo dục cho thể hệ con cháu về những tác hại của ô nhiễm môi trường và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.
b) Đối với các ban ngành, đoàn thể
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức giám sát chặc chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng này.
Cuối cùng, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Tóm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn còn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Hãy hô vang khẩu hiệu "Vì môi trường xanh - sạch - đẹp" và cũng là vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như các thế hệ sau.
EDM Tháng 10 năm 2020.